CHĂN NUÔI NHÂN ĐẠO

chăn nuôi nhân đạo

(Theo nongnghiep.vn) Luật Chăn nuôi đã có các quy định về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Tuy nhiên trên thực tế, chăn nuôi nhân đạo vẫn còn rất mới mẻ ở nước ta.

Trứng gà nhân đạo, hay trứng gà nuôi theo phương thức chăn nuôi nhân đạo được chứng minh là giàu chất dinh dưỡng hơn trứng gà nuôi theo phương thức truyền thống.

Vừa qua, một công ty ở Đà Nẵng, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi nhân đạo ở Việt Nam đã cho ra mắt sản phẩm trứng gà đầu tiên được nuôi theo hình thức nhân đạo có tên “Trứng gà vui vẻ”, bao gồm trứng gà thả vườn và trứng gà không nhốt lồng.

Đây được xem là bước đầu để nâng cao tiêu chuẩn về thực phẩm chất lượng cũng như thúc đẩy chăn nuôi, tiêu dùng có trách nhiệm ở Việt Nam.

Phúc lợi động vật là một khái niệm bao quát được định nghĩa là trạng thái tốt về thể chất, tinh thần cũng như sự biểu hiện lành mạnh về tập tính tự nhiên của con vật. Từ năm 1979, Hội đồng Phúc lợi động vật tại Anh đã đề xuất “5 quyền tự do cơ bản của động vật” bao gồm:

  • Không bị đói khát;
  • Không bị khó chịu;
  • Không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật;
  • Không bị hạn chế các tập tính tự nhiên và;
  • Không bị sợ hãi và khổ sở;

Tại Việt Nam, Luật Chăn nuôi 32/2018/QH14 với các quy định về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2020. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam vẫn xếp hạng rất thấp trong các thực hành bảo vệ vật nuôi dựa trên các chỉ số của Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới đưa ra vào năm 2020.

Đối với chăn nuôi gà, trong khi Uỷ ban Châu Âu chủ trương đến năm 2027 cấm toàn bộ việc nuôi nhốt động vật thì nuôi gà nhốt lồng vẫn được xem là phương thức chăn nuôi truyền thống để sản xuất trứng làm thương phẩm ở Việt Nam.

Trong một trang trại công nghiệp truyền thống, hàng nghìn con gà mái bị nhốt trong những chiếc lồng sắt. Điều này hạn chế việc di chuyển, duỗi cánh, hay các tập tính tự nhiên khác như tắm bụi, kiếm ăn, đậu trên sào hoặc đẻ trứng ở nơi riêng tư khiến gà mái có khả năng cao gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, dẫn đến việc đẻ ít trứng hơn.

Lợi ích của chăn nuôi nhân đạo

Áp dụng mô hình chăn nuôi nhân đạo, trang trại đối tác của công ty phải tuân thủ theo các tiêu chí cơ bản như xây dựng môi trường sống đảm bảo được các tập tính tự nhiên cho gà mái, cụ thể là nuôi gà thả vườn và không nhốt lồng, đối xử nhân đạo và đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn, nước uống cho vật nuôi.

  • Đối với phương thức thả vườn, bên cạnh môi trường bên trong chuồng, gà còn có không gian ngoài trời để kiếm ăn và sưởi nắng.
  • Đối với phương thức không nhốt lồng, gà mái có không gian tự do để di chuyển trong nhà, được trang bị sào đậu, ổ đẻ và nguyên liệu để tắm bụi nhằm thực hành các tập tính tự nhiên của gà.

Không kém phần quan trọng, gà cần được đối xử một cách nhân đạo, tức người chăn nuôi cần thực hiện đầy đủ các công tác phòng bệnh để giảm thiểu nguy cơ gây bệnh cũng như giám sát sức khỏe gà một cách liên tục và chặt chẽ.

Chăn nuôi nhân đạo và tiêu dùng trách nhiệm

Để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi nhân đạo, nông dân cần có sự hướng dẫn kỹ càng và chặt chẽ từ chuyên gia am hiểu về phúc lợi động vật với gia cầm. Người chăn nuôi cần nắm được các quy cách thiết kế chuồng trại, trang thiết bị vật tư, biết cách lựa chọn giống và thức ăn cũng như phương thức chăn nuôi và quản lý theo hướng nhân đạo.

 “Trước đây, tôi nghĩ rằng nuôi gà nhân đạo nghĩa là cho gà một cuộc sống thoải mái, đẻ trứng một cách tự nhiên không ép buộc, cho ăn uống đầy đủ để có thể sinh sản là được.

Tuy nhiên đến lúc tiếp cận mới biết không đơn giản chỉ vậy, chẳng hạn như gà phải được tiêm phòng, và được uống thuốc khi bị bệnh. Nhưng tôi nghĩ điều đó tốt, cũng như con người, gà cũng cần được chăm sóc tốt và cần có những quyền không nên bị vi phạm”.

Việc thay đổi thói quen và tư duy chăn nuôi có thể gặp nhiều thách thức, tuy nhiên điều đó không thể làm giảm đi tính cần thiết của việc chuyển đổi này.

Hiện nay, nông dân không chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm của VietGAP hay GlobalGAP, mà còn cần đáp ứng tiêu chuẩn về phúc lợi động vật. Muốn vậy, nông dân cần có một thời gian tập làm quen và nâng cao môi trường chăn nuôi.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm chăn nuôi nhân đạo là vô cùng rất cần thiết để bảo đảm đầu ra sản phẩm cho nông dân. Là một trong những đầu tàu của phong trào chăn nuôi nhân đạo tại Việt Nam, HealthyFarm cần liên tục cải thiện cách tiếp cận với các đối tác chăn nuôi, cải thiện phương thức chăn nuôi, chất lượng sản phẩm cũng như đầu ra của sản phẩm.

Nhân tố quan trọng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Để đạt được các chứng nhận về phúc lợi động vật, Tiến sĩ Sara Shields, Giám đốc Khoa học, Phúc lợi Động vật trang trại Tổ chức Humane Society International (HSI) cho biết, người chăn nuôi, doanh nghiệp cần chuyển đổi sang mô hình nuôi không lồng chuồng, không cũi, không nuôi nhốt chật hẹp, để gà/heo có thể thể hiện các tập tính tự nhiên của mình (dũi đất, dụi lông, đào bới, tìm ổ đẻ, tắm bụi, đậu trên cành).

Có như vậy heo/gà có thời gian vận động nhiều hơn, gân cơ xương tốt hơn, tư thế nằm thoải mái hơn để cơ thể được ấm. Đồng thời, tận dụng thị trường ngày càng mở rộng, tích cực chủ động làm việc với các nhà bán lẻ đang có nhu cầu về các sản phẩm động vật phúc lợi cao hơn và có thể được chứng nhận.

Tiến sĩ Sara Shields cho biết thêm, khi chuyển đổi sang mô hình nuôi phúc lợi động vật cũng sẽ làm tăng thêm chi phí. Tuy nhiên, HSI sẽ là bên kết nối, giúp người mua hiểu được vì sao họ phải trả thêm tiền khi mua sản phẩm thuộc phúc lợi động vật và vì sao người sản xuất có lợi ích thêm khi sản xuất theo mô hình phúc lợi động vật.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh cho biết, phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với con vật mà cả đối với con người, xã hội và môi trường. Chăn nuôi công nghiệp “hiện đại” đang được chuyển hướng sang chăn nuôi văn minh, trong đó ngoài lợi ích kinh tế của người chăn nuôi còn nhấn mạnh đến lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phúc lợi vật nuôi.

“Ngành chăn nuôi muốn phát triển hơn nữa và hội nhập được với thế giới nhất thiết phải đưa phúc lợi động vật vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn sản xuất và xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và đạt yêu cầu xuất khẩu”, bà Hạnh nói.

Phúc lợi động vật được hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có. Cho dù đó là con vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng, hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt.

5 tiêu chí đảm bảo phúc lợi động vật: Không bị đói, khát; Không bị khó chịu cả về thể chất và tinh  thần; Không bị đau đớn, thương tật và bệnh tật; Không bị sợ hãi và lo lắng; Tự do thể hiện các hành vi bản năng.

error: Content is protected !!